Thụt tháo, thụt giữ là các kỹ thuật đưa nước, thuốc qua trực tràng vào đại tràng nhằm mục đích tháo phân, điều trị nuôi dưỡng bệnh nhân.
Ai cần thụt tháo đại tràng?
- Người bệnh táo bón lâu ngày;
- Người bệnh trước khi thực hiện phẫu thuật ổ bụng, đặc biệt là phẫu thuật đại tràng;
- Người bệnh trước khi nội soi ổ bụng, đại tràng, trực tràng để phát hiện tổn thương các cơ quan này;
- Người bệnh trước khi chụp X-quang đại tràng có bơm thuốc cản quang, chụp ổ bụng có chuẩn bị;
- Người cần thực hiện thụt tháo trước thụt giữ để thuốc làm sạch đại tràng hấp thu vào cơ thể qua đại tràng.
Ai KHÔNG được thụt tháo đại tràng?
- Người bệnh viêm ruột thừa;
- Người bệnh tắc xoắn ruột;
- Bệnh nhân thương hàn, viêm hoại tử ruột có nguy cơ thủng ruột;
- Người bệnh đang có tổn thương hậu môn, trực tràng.
Lưu ý cho người bệnh và điều dưỡng viên
- Thông báo cho người bệnh và người thân về thủ thuật sắp thực hiện, động viên bệnh nhân an tâm và cộng tác trong quá trình làm thủ thuật;
- Hướng dẫn người bệnh những việc cần thiết;
- Không tháo thụt làm sạch đại tràng vào giờ người bệnh ăn hoặc giờ thăm bệnh;
- Nhắc người bệnh đi tiểu trước khi tháo thụt đại tràng.
Theo dõi người bệnh trong và sau khi thụt tháo
- Trong lúc nước vào đại tràng, nếu người bệnh kêu đau bụng hoặc muốn đi đại tiện, phải ngừng ngay không cho nước chảy vào vào.
- Theo dõi tình trạng chung (mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ) để phát hiện những thay đổi bất thường sau thụt (đau bụng).